Saturday, March 26, 2011

Tiên Đoán Ngày Tận Thế

Trần Cao Tường: Chúa Nhật5A, Tiên Đoán Ngày Tận Thế
By HoangHac • Mar 25th, 2011 • Category: Công Giáo



(Ảnh Trần Cao Tường)
Hơn lúc nào hết, vào thời điểm này người ta nhắc tới lời tiên tri của một linh mục tên là Malachi từ thế kỷ 12 về “thời sau hết”. Theo đó thì Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II là “Mặt Trời Lam Lũ” (Labor Solis). Đức Gioan 23 đến từ Venise thành phố nổi trên nước ở Bắc Ý thì được gọi là “Thủy Thủ” (Nauta). Sau Đức Gioan Phaolô II thì còn một vị giáo chủ nữa trước vị cuối cùng trong sổ là Đức Phêrô II. Thánh Phêrô là vị giáo chủ đầu tiên, nên khi thấy tên Đức Phêrô II là vị cuối cùng trong sổ mà không thấy nói gì thêm nữa, người ta liền suy đoán đó là mốc ghi ngày tận thế!

THỜI ĐIỂM VỀ LỜI TIÊN TRI MẶT TRỜI LAM LŨ

Hình ảnh “Mặt Trời Lam Lũ” trông thấy rõ nét nơi Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Mỹ Châu ở Mexico và St Louis Hoa Kỳ vào cuối tháng 1 năm 1999. Dù tinh thần rất minh mẫn, nhưng cơ thể vị giáo chủ đã yếu hẳn sau lần bị bắn tại công trường thánh Phêrô và lần mổ mới đây, nhất là chứng bệnh Parkinson đã ảnh hưởng rất rõ. Tay Ngài bị run, khuôn mặt bị cứng ra dần, và đi lại rất chậm chạp. Đó là vì sau hơn 20 năm lam lũ như mặt trời trong sứ vụ, đặc biệt với trên 80 chuyến công du đi đến trên 120 nước trên thế giới.

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, cả thế giới ngạc nhiên khi thấy xuất hiện vị tân giáo chủ rất trẻ trung mới 57 tuổi đến từ một nước Cộng Sản Đông Âu. Cả 455 năm qua, các đức giáo chủ đều là người Ý, đây là lần đầu tiên như một dấu lạ: Đức Karol Wojtyla đến từ Ba Lan, một nước chính quyền Cộng Sản. Ngài rất khỏe mạnh và lanh lẹ vì từng là một nhà thể thao.

Lạ lùng quá, trong vòng hơn 20 năm, “Mặt Trời Lam Lũ” đã thay đổi cả bộ mặt thế giới. Và bây giờ trong lúc tuổi già, ngài vẫn tiếp tục lên đường đi tới, lôi kéo mọi người hướng về tương lai bước vào thiên niên mới với đầy nhiệt lực hứng khởi, và với cả một kế hoạch thực tiễn chứ không ngồi viễn mơ.

Dịp kỷ niệm 20 năm làm giáo chủ vào tháng 10 năm 1998, Đức Gioan Phaolô II đã có một kiểu mừng khác biệt, không nhắc lại những thành tích 20 năm qua, nhưng mở ra một nhãn quan tích cực cho ngàn năm mới với tông huấn “Vẻ Huy Hoàng của Chân Lý” (Veritatis Splendor). Đây là tông huấn then chốt ý hướng của vị giáo chủ, đưa ra một đường lối dung hạp đời với đạo, văn hóa với niềm tin, đời thường với thánh thiêng. Đó cũng là ý hướng của công đồng Vatican II trong hiến chế Hội Thánh trong Thế Giới ngày nay:

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ…Lúc nào Hội Thánh cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và chụp ghi dưới ánh sáng Tin Vui” (số 1&4).

TIN VUI KHƠI MẠCH MÙA XUÂN MỚI

Phát ngôn viên của tòa thánh là Navarro-Valls đã nhận xét: “Sức khỏe của ngài xuống hơn, nhưng cảm ơn Chúa, điều đó chẳng cản trở công việc của ngài. Tay bị run, phát âm đôi khi không rõ, nhưng đây có khi lại giúp ngài nói được với dân chúng hùng hồn hơn ở chiều kích mới. Cảm tưởng của tôi là khi người ta nhìn thấy tay ngài rung, thì mọi thành quách bên trong họ bị sụp xuống hết. Cánh tay rung này có thể cũng có tác dụng mạnh như thân hình cường tráng của ngài cách đây 20 năm”.

Điều này thật đúng khi giới trẻ ùn ùn kéo tới với ngài trong dịp tụ hội lớn của giới trẻ châu Mỹ tại Mexico cũng như tại St Louis Hoa Kỳ, và đặc biệt tại đại hội giới trẻ thế giới ở Paris vào năm 1997. Trước đó ít lâu, một nhà báo vô thần Pháp đã nhận xét về bầu khí xuống dốc của người Công Giáo ở Pháp, và đoan chắc rằng đại hội sẽ rất ít người; và với con số may ra được khoảng một trăm ngàn người đến dự thì bõ bèn gì để một vị giáo chủ già nua phải lần mò sang Paris cho tốn công sức! Nhưng rồi chuyện kinh ngạc đã xẩy ra: trên một triệu người trẻ đã tuốn đến thành phố Paris để gặp gỡ Đức Thánh Cha. Họ khao khát nội tâm sâu xa, muốn tìm một hướng đi sau những mệt mỏi rã rời của những năm cuối cùng của bách niên nhầy nhụa vật chất này.

Đức Gioan Phaolô đã vạch ra lộ trình rất rõ để nhân loại bước vào ngàn năm mới: “Phục hồi tầm quan trọng của gia đình. Quốc gia chỉ yên ổn khi gia đình lành mạnh. Giới trẻ đừng sa vào lại những lầm lỡ của thế kỷ đang qua, nhưng hãy vững tâm theo một con đường sống mới hợp nhân vị và nhân phẩm, phát huy giá trị Phúc Âm”. “Không có hòa bình nếu không có công lý. Nhưng không thể có công lý nếu không bênh vực sự sống. Và không có sự sống nếu không đặt nền trên chân lý, mà chân lý thì do Thiên Chúa chỉ cho”. Chứ những thước đo sự thật và giá trị loài người bày đặt mà gạt bàn tay Chúa ra trong cả thế kỷ qua đã chỉ đưa đến đổ vỡ tan hoang. Ngài kêu gọi giới trẻ hãy luyện đức tin như hai người trẻ Công Giáo tập luyện và đạt tới thần tượng của môn dã cầu là Mark McGwire và Sammy Sosa. Và ngài xác quyết bằng chính Lời Chúa: “Chúng con là ánh sáng soi trần thế” (Mt 5:14)

Chính Chúa mới là Nguồn Sáng. Trong cảnh đen tối ngột ngạt, chỉ cần một nút bật là tất cả sáng lên. Mỗi người hãy là nút bật đó. Trong lúc phẩm chất con người xuống cấp tới cùng độ, một nhãn quan mới đầy ánh sáng cần được mở ra. Như vậy, Đức Gioan Phaolô II đang tuyên bố “ngày tận thế” của một nền văn hóa chết chóc u ám, của một thời đại đánh mất hồn nên rời rã tàn lụi, của một thế kỷ với bao lầm lỡ, để khai mở một mùa xuân đầy sinh lực của một kỷ nguyên mới với một nền văn minh mới đặt nền trên niềm tin vào tình người và sức mạnh tâm linh hơn là những giá trị vật chất. Đây quả là điều mà ai cũng đang cảm thấy khẩn thiết vào thời điểm này.

Cũng chính vì thế mà dù đã cao tuổi và bị bệnh Parkinson, Đức Gioan Phaolô vẫn cứ hăng hái lam lũ ra đi hô hào thế giới và đặc biệt giới trẻ vùng đứng dậy. Ngài đã chuyển lực khơi mào một mùa xuân mới từ những tàn tạ mùa đông. Sức gì đã tác động mãnh liệt như vậy? Đó là dòng ơn thánh. Để khơi mạch mùa xuân mới, con người chỉ cần tin tưởng vào thần lực Chúa, đặt lại cái gì thực sự ưu tiên trong đời sống và sẵn sàng làm nút bật cho Chúa tác động, như Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II. Vừa tuổi già vừa bệnh tật mà ngài vẫn có thể làm được như thế, vậy mà những người mạnh khỏe trẻ trung lại chỉ biết ngồi than trách hay đầu hàng môi trường sao?

PHÚT CẢM NHẬN XUÂN RA ĐỜI

Vào lúc sang xuân, mùa xuân không phải của một năm, mà là thời điểm cựa mình sang xuân của một thế kỷ mới, một thiên kỷ mới, con người ngắc ngoải đi tìm con đường nào có thể làm tươi tắn lại cuộc sống. Chả lẽ mọi vật đều chuyển mình vào dòng sinh lực đất trời mà tươi nở, riêng con người vẫn cứ ghì lại tự nhốt giam vào vật chất tù túng khiến trở nên héo rũ tàn tạ mãi sao?!

Đây chính là thời điểm người trẻ mệt mỏi chán chường cần tìm ra phương cách lấy lại sinh khí cuộc sống. Một con én cũng như một bông hoa không làm nên mùa xuân. Nhưng một con én bắt đầu lượn, một bông hoa bắt đầu đầu nở, thì mùa xuân cũng bắt đầu, như một người tuổi già và bệnh tật như Đức Thánh Cha đã bắt đầu. Mỗi người phải là một nút bật sáng, khơi mạch mùa xuân. Và đây là điều tích cực nhất chuẩn bị cho năm 2000.

Dù bất cứ trạng huống nào kể cả cảnh bi đát như của Hàn Mặc Tử, Thần Sinh Khí Chúa ra đời hiển hiện thành dòng lực sống mùa xuân, có sức thay đổi tất cả. Cả bốn mùa đều là “tứ thời xuân, tứ thời xuân non nước”: từ kẽ đá, từ bờ đất hoang, từ những cành cây trơ trụi, từ những sần sượng tàn lụi tinh thần, tất cả đều bật lên muôn hoa lá.

Ôi, cao sang khôn ví trọng ai bì.
Trên nước cả có vô vàn châu báu
Trí rất ngớp bởi chưng xuân hồn hậu
Đã ra đời theo lệnh của Ngôi Hai…

Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác,
Rất phương phi, trên hết cả anh hoa.
Xuân ra đời.

(Hàn Mặc Tử, Ra Đời)

NHỮNG NĂM MÃO TRONG LỊCH SỬ

NHỮNG NĂM MÃO TRONG LỊCH SỬ




Nguyễn Lý Tưởng


Mười hai năm trước đây, khi qua được cái năm Mậu Dần (1998), một số người cảm thấy nhẹ nhõm vì qua được ba năm “Tý hư, Sửu hao, Dần bất lợi” để bước vào năm Kỷ Mão (1999) với nhiều hy vọng. Ba năm đó, nếu không thua thiệt mặt nầy thì cũng mất mát mặt khác; không đau ốm, tai nạn thì cũng mất mùa, dịch tễ, chiến tranh… Nhưng năm Kỷ Mão (1999) lại là năm chuẩn bị bước vào năm hai ngàn. Đã từ nhiều đời nay, người ta vẫn nói năm 2000 là năm tận thế… Một số người giải thích sấm ký và kêu gọi mọi người ăn năn, hối cải, sống cuộc đời đạo đức để khỏi bị phạt nơi hỏa ngục! Nếu không tận thế thì nhân loại cũng sẽ gặp đại họa tiêu diệt gần hết, và số người còn sống sót sẽ rất ít để lập lại một thế giới mới, tốt đẹp hơn, đạo đức hơn. Mới bước vào ngàn năm thứ ba, chưa hết lo âu lại gặp các năm Tý (Mậu Tý: 2008), Sửu (Kỷ Sửu: 2009) và Dần (Canh Dần: 2010)… Một lần nữa, thiên hạ lại lo âu.

Ba năm vừa qua cũng là ba năm đầy các biến cố xảy ra trên tồn thế giới và ngay cả trên đất Hoa Kỳ nầy. Ba năm suy thoái trầm trọng về kinh tế, ba năm thiên tai, bão lụt, động đất, sóng thần, chiến tranh,v.v… Hàng trăm ngàn người chết trong một lúc. Mấy năm gần đây, bên Việt Nam và ở hải ngoại có nhiều nhóm tôn giáo đưa ra những lời tiên đoán sẽ có những biến cố lớn xảy ra cho Việt Nam và thế giới vào hai năm 2011 và 2012 như: sự tàn phá, chết chóc do chiến tranh hoặc thiên tai… sẽ có những thay đổi quan trọng, thế giới hiện nay sẽ bị hủy diệt để nhường chỗ cho một thế giới mới tốt đẹp hơn… Do đó, mối âu lo vẫn còn canh cánh bên lòng.

Năm Tân Mão sắp đến (2011) tương lai Việt Nam và nhân loại sẽ như thế nào?

Nhìn lại lịch sử nước nhà, những năm MÃO trong quá khứ, đã có những biến cố gì.

- Năm Quý Mão (258 trước Công Nguyên) là năm cuối cùng chấm dứt triều đại các vua Hùng của Việt Nam theo truyền thuyết. Đó là năm Thục Phán lập ra nước Âu Lạc và về sau giang sơn của Thục Phán đã bị Triệu Đà thôn tính để lập ra nước Nam Việt.

- Năm Tân Mão (31 thế kỷ thứ I) đời Quang Vũ nhà Hán bên Trung Quốc, sau khi diệt được Vương Mãng, củng cố được chính quyền rồi, thì các lãnh tụ ở đất cũ của Triệu Đà (Giao Chỉ) đã lần lượt theo về với vua nhà Hán và cho sứ đến triều cống.

- Năm Quý Mão (43), Trưng Trắc bị tướng nhà Hán là Mã Viện đánh bại, đất Giao Chỉ lại lệ thuộc nhà Hán như cũ. Người đời sau lấy ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão nầy làm ngày giổ Trưng Trắc, Trưng Nhị.

- Năm Tân Mão (571) Lý Phật Tử đem quân chống nhau với Triệu Quang Phục để tranh quyền. Nguyên vào năm 554, Lý Bôn (hay Lý Bí) tức Lý Nam Đế nổi lên chống lại nhà Lương (502-556) để giành độc lập, thua trận, ông trao binh quyền cho Triệu Quang Phục chỉ huy để chống lại với nhà Lương. Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương (khác với Nam Việt Vương là Triệu Đà thời xưa). Năm 558, Lý Nam Đế mất, anh họ của Lý Nam Đế là Lý Thiên Bảo cùng với người trong họ là Lý Phật Tử đem quân chiếm một vùng và năm Quý Mão (571) Lý Phật Tử chống lại Triệu Quang Phục để tranh quyền. Triệu Quang Phục đem con gái gả cho Lý Phật Tử để cầu hòa, nhưng Lý Phật Tử vẫn có lòng phản trắc, đem quân đánh Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục thua, Lý Phật Tử xưng vương. Bên Trung Quốc nhà Tùy diệt được nhà Lương, thống nhất thiên hạ, sai tướng là Lưu Phương đem quân chinh phục miền Nam. Lý Phật Tử về hàng nhà Tùy, nước ta lại lệ thuộc phương Bắc như cũ.

- Năm Đinh Mão (907) nhà Đường (618-907) bị nhà Lương diệt, nhân cơ hội đó, Khúc Thừa Dụ ở đất Giao Châu (nước Việt ngày xưa) được các tướng ở địa phương cử lên làm Tiết độ sứ, độc lập ở phương Nam (906), được một năm thì mất, con là Khúc Hạo lên thay.

- Năm Tân Mão (931), Dương Đình Nghệ (có sách đọc là Dương Diên Nghệ) là tướng của họ Khúc, thống nhất được các lực lượng ở địa phương, nổi lên chống lại quân Tàu, tự xưng làm Tiết độ sứ, độc lập ở phương Nam. Được 6 năm thì ông bị Kiều Công Tiễn phản bội, giết ông để cướp quyền. Con rễ của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đem quân đánh Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn kêu cứu với vua Nam Hán (Nam Trung Quốc) là Lưu Cung. Thái Tử của Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo đem quân qua nước ta, bị Ngô Quyền đánh bại trong trận Bạch Đằng vào năm 938. năm sau, 939, Ngô Quyền lên ngôi lập ra nền độc lập cho nước ta sau thời kỳ bị Trung Quốc đô hộ. Sau nhà Ngô đến Đinh Bộ Lĩnh, nước ta giữ được độc lập và mở mang bờ cõi cho đến ngày nay.

- Năm Ất Mão (1075), Lý Thường Kiệt theo lệnh của vua Lý Nhân Tông (1072-1127) đem quân đánh chiếm các châu Khâm, châu Liêm, châu Ung (nay thuộc Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, lãnh thổ Trung Quốc thời nhà Tống). Tướng nhà Lý là Tôn Đản vây thành 40 ngày, tướng nhà Tống là Tô Dam giữ thành không được bèn cùng vợ con tất cả 36 người tự tử một lượt. Dân trong thành không chịu đầu hàng nên bị quân nhà Lý tàn sát hàng vạn người. Cũng trong năm đó, trước khi đem quân đánh nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã đem quân đánh Chiêm Thành, thu hồi đất của Chế Củ đã nhường ngày trước và đem dân Việt từ Bắc vào ở. Ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành gọi là Cửa Việt, thuộc tỉnh Quảng Trị bây giờ.

- Năm Ất Mão (1315) vua Trần Minh Tông (1314-1329) ban hành luật cấm người trong họ hàng không được đi thưa kiện nhau để giữ tình nghĩa bà con, tạo nên phong tục tốt trong nhân dân.

- Năm Quý Mão (1423), Bình Định Vương Lê Lợi, sau khi đánh nhau với quân nhà Minh bị tổn thất nặng và bị bao vây trong vùng núi Chí Linh, thiếu lương thực, đã xin hòa với giặc rồi đem quân trở về đóng ở Lam Sơn để củng cố lực lượng. Tướng nhà Minh là Trần Trí sai người đem trâu, ngựa, thực phẩm đến cho. Vương cũng đưa vàng bạc làm lễ tạ ơn. Về sau Trần Trí có bụng nghi ngờ, bắt giữ sứ giả của nhà Lê là Lê Trăn nên Bình Định Vương tuyệt giao với quân nhà Minh và chuẩn bị mở rộng kháng chiến, đánh chiếm vùng Nghệ An.

- Năm Kỷ Mão (1459) Thái Tử Nghi Dân giết Lê Nhân Tông (1443-1459) và Hoàng Thái Hậu, mẹ vua rồi tự tôn lên làm vua. Đây là thời kỳ đen tối của triều đại nhà Lê sau Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Về sau Nghi Dân bị Đại thần nhà Lê là Nguyễn Xí, Đinh Liệt lật đổ và tôn Thái Tử Lê Tư Thành lên ngôi tức Lê Thánh Tông (1460-1497), lập ra triều đại thạnh trị cho nhà Lê cả về chính trị, quân sự lẫn văn hóa, xã hội.

- Năm Ất Mão (1579), chú của vua nhà Mạc là Mạc Kính Điển, một nhà quân sự kiêm chính trị danh tiếng của nhà Mạc mất. Từ đó, thế lực của nhà Mạc yếu dần, mặc dù các tướng nhà Mạc đã cố gắng mở các mặt trận tấn công nhà Lê ở phương Nam, nhưng không tạo nên được thắng lợi nào. Cuối cùng nhà Mạc đã bị tiêu diệt.

- Năm Tân Mão (1591), Trịnh Tùng đem đại quân, với danh nghĩa phò Lê từ Thanh Hóa tiến ra Nam Định. Vua nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp cũng tập trung lực lượng mười vạn quân để quyết một trận sống chết với quân nhà Lê. Nhưng vì nội bộ nhà Mạc lủng củng, Mạc Mậu Hợp mê vợ của tướng Bùi Văn Khuê nên lập mưu đày ông này ra mặt trận, muốn dùng tay quân Trịnh giết hại Khuê. Do đó, Khuê đầu hàng Trịnh Tùng và dẫn quân nhà Lê đánh nhà Mạc. Quân Mạc thua to, Mạc Mậu Hợp bị bắt đem về Thăng Long xử tội. Năm 1592, Trịnh Tùng rước vua Lê vào thành Thăng Long, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê từ Mạc Đăng Dung (1527) đến Mạc Mậu Hợp (1592) làm vua được 65 năm. Con cháu họ Mạc chạy lên Cao Bằng, nhờ thế lực nhà Minh che chở, tồn tại được 30 năm nữa, cuối cùng bị tướng nhà Lê là Trịnh Kiều tiêu diệt.

- Năm Ất Mão (1615), giáo sĩ người Bồ Đào Nha là Buzomi vào giảng đạo Thiên Chúa tại Quảng Trị, Huế.

- Năm Đinh Mão (1627), sau khi Nguyễn Hoàng mất (1613), con là Nguyễn Phúc Nguyên công khai chống lại họ Trịnh, không chịu nộp thuế, không chịu ra chầu vua Lê ở Thăng Long… Trịnh Tráng, con Trịnh Tùng nối ngôi cha làm chúa ở Thăng Long bèn rước vua Lê đi đánh họ Nguyễn ở Thuận Hóa. Đây là trận đầu tiên trong cuộc Nam Bắc phân tranh giữa hai họ Trịnh ở Đàng Ngoài (Bắc Hà) và Nguyễn ở Đàng Trong (Nam Hà). Có tất cả 7 trận đánh trong vòng 45 năm từ 1627 đến 1672. Sau đó cả hai bên đều tự động ngưng chiến, lấy sông Gianh (Linh Giang) làm giới hạn. Các trận đánh đều do quân họ Trịnh (Bắc) tấn công họ Nguyễn (Nam) chỉ có trận 1655, quân Nguyễn do hai tướng Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật tấn công ra Bắc chiếm 7 huyện phía Nam sông Lam, trấn giữ trong vòng 10 năm, bắt dân vùng này cho vào lập nghiệp ở vùng đất mới chiếm của Chiêm Thành từ Quảng Ngãi trở vào. Tổ tiên của Tây Sơn là Hồ Phi Phúc từ Nghệ An đã bị bắt đem vào đây trong thời gian này.

- Năm Quý Mão (1663), bên Trung Quốc nhà Thanh đã diệt được nhà Minh, bèn cho sứ qua dụ vua Lê chúa Trịnh triều cống nhà Thanh. Trịnh Tạc liền cho người mang lễ vật qua xin nhà Thanh phong cho vua Lê. Bốn năm sau, 1667, vua Khang Hy nhà Thanh sai sứ qua Thăng Long, phong cho vua Lê làm An Nam Quốc Vương. Cũng năm 1663 (Quý Mão), Trịnh Tạc ra lệnh cấm đạo Thiên Chúa ở miền Bắc.

- Năm Kỷ Mão (1699) vua nước Chân Lạp (Kampuchia) là Nặc Ông Thu đem quân chống với quân chúa Nguyễn. Tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đuổi đến thành Nam Vang. Nặc Ông Thu bỏ chạy, về sau ra hàng, xin triều cống như cũ. Chúa Nguyễn chia nước Chân Lạp làm hai, một nửa cho Nặc Ông Thu, một nửa cho Nặc Ông Nộn.

- Năm Tân Mão (1771), Trịnh Quốc Anh là người Triều Châu sang ở đất Xiêm, tự xưng làm vua, bắt vua Chân Lạp phải triều cống. Nhưng vua Chân Lạp là Nặc Ông Tôn không chịu và theo chúa Nguyễn. Quân Xiêm của Trịnh Quốc Anh đánh nhau với quân Chân Lạp (Kampuchia) và uy hiếp thành trì của Mạc Cửu ở Hà Tiên. Lúc bấy giờ Mạc Cửu đã chết, con là Mạc Thiên Tứ không giữ được thành, phải bỏ chạy. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Cửu Đàm đem binh thuyền đi đánh quân Xiêm, tiến chiếm lại thành Nam Vang (Chân Lạp), quân Xiêm phải rút về.

- Năm Đinh Mão (1687) chúa Nguyễn Phúc Trăn dời đô về làng Phú Xuân tức thành Huế bây giờ, thường gọi là thành Phú Xuân hay kinh đô Phú Xuân. Trước đó, vào thời chúa Nguyễn Hoàng 1558, đóng ở Ái Tử, nay thuộc phủ Triệu Phong (Quảng Trị), sau dời về làng Trà Bát gần đó. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên thì dời vào làng Phước Yên, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên), đời chúa Nguyễn Phúc Lan dời vào làng Kim Long, huyện Hương Trà (Thừa Thiên) và đời chúa Nguyễn Phúc Trăn dời về Phú Xuân.

- Năm Tân Mão (1771), anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ khởi nghĩa, quy tụ nhiều lực lượng tại địa phương, lấy danh nghĩa chống quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ cháu đích tôn của chúa Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Phúc Dương. Chỉ trong một vài năm mà họ đã chiếm được cả một vùng, dân chúng đi theo họ rất đông.

- Năm Quý Mão (1783), quân Tây Sơn do Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ vào đánh thành Gia Định (Sài Gòn), chúa Nguyễn Phúc Ánh phải đem gia đình chạy trốn ra đảo Phú Quốc. Nguyễn Huệ lại đem quân ra đánh Phú Quốc, Nguyễn Phúc Ánh phải chạy ra đảo Cổ Long rồi Cổ Cốt. May nhờ có trận bão, binh thuyền Tây Sơn bị đắm rất nhiều, Nguyễn Phúc Ánh liều chết cho thuyền chạy ra giữa cơn bão, may có cơn gió đưa thuyền thẳng ra khơi và thoát được qua hướng Vịnh Xiêm La (biển Thái Lan)… Trong khi đó ở miền Bắc, Trịnh Sâm chết (1782) Đặng Thị Huệ dựa vào thế lực của Hoàng Đình Bảo, phế bỏ con trưởng của Sâm là Trịnh Tông (Khãi) mà lập con của Đặng Thị Huệ là Trịnh Cán, còn nhỏ, lên ngôi. Lính Tam Phủ làm loạn giết Hoàng Đình Bảo, bắt giam Đặng Thị Huệ, đưa Trịnh Tông lên làm chúa. Tình hình ở Thăng Long rất lộn xộn tạo điều kiện cho quân Tây Sơn theo Nguyễn Hữu Chỉnh từ Thuận Hóa kéo ra đánh lấy Bắc Hà.

- Năm Ất Mão (1795), Võ Tánh là tướng của chúa Nguyễn chiếm được thành Diên Khánh (gần Nha Trang) của Tây Sơn, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu đem quân từ Thuận Hóa vào giải vây. Võ Tánh quyết giữ thành, Trần Quang Diệu đánh mãi không được. Đầu năm sau, chúa Nguyễn Phúc Ánh đem quân từ Gia Định ra cứu… Trong lúc quân hai bên đang chống nhau chưa phân thắng bại ở Quy Nhơn thì ở Phú Xuân (Huế), nội bộ triều đình Tây Sơn chia rẽ, quan Thái Sư Bùi Đắc Tuyên, cậu ruột của vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) chuyên quyền, cho Ngô Văn Sở ra Bắc Hà thay Võ Văn Dũng và gọi Võ Văn Dũng về Phú Xuân; cách chức Trần Văn Kỷ là quân sư của vua Quang Trung trước đây và đày ra Mỹ Chánh làm lính cắt cỏ cho ngựa. Trên đường trở về Phú Xuân, Võ Văn Dũng đã gặp Trần Văn Kỷ, biết rõ mọi chuyện bèn cùng Trần Văn Kỷ kéo về lật đổ Bùi Đắc Tuyên rồi sai Nguyễn Văn Huấn vào Quy Nhơn bắt con của Tuyên là Bùi Đắc Trụ đang làm trấn thủ ở đấy, đem về Phú Xuân. Võ Văn Dũng và Trần Văn Kỷ nhân danh vua ra lệnh cho em vua là Nguyễn Quang Thùy lúc đó đang ở Thăng Long, phải cách chức Ngô Văn Sở và giải về Phú Xuân, lập tòa án xử tội cha con Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ, bị dìm nước chết. Trần Quang Diệu nghe tin, kéo quân về Phú Xuân, đóng ở An Cựu, phía Nam sông Hương chống nhau với Võ Văn Dũng. Vua Cảnh Thịnh phải cho quan đứng ra kêu gọi hai bên giảng hòa. Bốn người được đưa lên hàng quan trọng nhất của triều đình Tây Sơn ở Phú Xuân là Trần Quang Diệu (Thiếu Phó), Nguyễn Văn Huấn (Thiếu Bảo), Vũ Văn Dũng (Đại Tư Đồ) và Nguyễn Văn Danh tức Nguyễn Văn Tứ (Đại Tư Mã) gọi là tứ trụ đại thần. Do sự chia rẽ đó mà triều đình Tây Sơn dần dần suy yếu và về sau bị mất về tay chúa Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long).

- Năm Đinh Mão (1807), vua Gia Long đã xây xong thành Phú Xuân, tức kinh đô nhà Nguyễn ở Huế. Thành ngoại và thành nội đã xong, nhưng việc kiến thiết các cung điện vẫn còn kéo dài cho đến đời Minh Mạng (1820-1840) mới hoàn thành. Cũng trong năm nầy, vua nước Chân Lạp (Kampuchia) là Nặc Ông Chân bỏ không thần phục vua Xiêm (Thái Lan) mà xin về thần phục vua Việt Nam, cứ ba năm theo lệ đến triều cống một lần. (Phẩm vật gồm có: 2 con voi đực cao 5 thước ta, 2 chiếc sừng tê giác, 2 cái ngà voi, 50 cân hột sa nhân, 50 cân đậu khấu, 50 cân sáp ong, 50 cân cánh kiến, 20 lọ sơn đen).

- Năm Kỷ Mão (1819) đời vua Gia Long, có mấy tàu buôn của Pháp chở hàng hóa đến cửa Đà Nẵng buôn bán và mua các sản phẩm của nước ta đem về. Dịp đó, ông Chaigneau, một người Pháp đã giúp vua Gia Long đánh Tây Sơn ngày trước và đang làm quan tại triều đình cũng xin nghỉ ba năm để đem vợ con về Pháp.
Vua Gia Long tên là Nguyễn Phúc Ánh mất, miếu hiệu là Thế Tổ Cao Hoàng Đế của nhà Nguyễn, thọ 59 tuổi, ở ngôi được 18 năm.

- Năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng ra lệnh cải tổ hành chánh bắt chước theo nhà Thanh (Trung Quốc) đổi trấn làm tỉnh; tỉnh lớn thì có chức Tổng Đốc, tỉnh nhỏ thì có chức Tuần Vũ, Bố Chính sứ, Án Sát sứ và Lãnh Binh. Tổng Đốc có trọn quyền hành chánh, quân sự trong tỉnh của mình; Tuần Vũ thì coi về hành chánh, giáo dục; Bố Chánh thì coi về tài chánh, thuế má, ruộng đất, dân và lính v.v. ở trong tỉnh; Án Sát sứ coi về tòa án, xét xử, thi hành luật pháp kiêm luôn ngành bưu điện; Lãnh Binh thì coi về an ninh, chỉ huy lính trong tỉnh. Từ Tuần Vũ trở xuống đều thuộc quyền Tổng Đốc. Tổng Đốc hoặc coi một tỉnh lớn hoặc kiêm luôn hai, ba tỉnh nhỏ…

- Năm Kỷ Mão (1879), Khâm Sứ Pháp ở Huế là Philastre về nước và Rheinart trở lại làm Khâm Sứ ở Huế. Le Myr de Vilers làm Thống Đốc ở Sài Gòn, cai trị xứ Nam Kỳ thuộc địa của Pháp. Philastre là một người biết chữ Nho, hiểu văn hóa phong tục Việt Nam nên việc giao thiệp giữa triều đình Huế và Pháp dễ dàng hơn. Khi Philastre về nước rồi, sự giao thiệp giữa hai bên Pháp Việt càng ngày càng khó khăn hơn.

- Năm Ất Mão (1915), nước Pháp bị nước Đức tấn công trong thế giới chiến tranh lần thứ nhất (1914-1918), một số thanh niên Việt Nam được đưa qua Pháp làm lính thợ trong các nhà máy và thanh niên Pháp được lệnh phải gia nhập quân đội để bảo vệ nước Pháp.

- Năm Đinh Mão (1927), Nguyễn Thái Học thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng vào ngày lễ Thiên Chúa Giáng Sinh 25-12-1927 và ba năm sau, cuộc khởi nghóa Yên Báy (1930) thất bại, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị bắt, bị xử tử.

- Năm Kỷ Mão (1939) Thế giới chiến tranh lần thứ hai bùng nổ ở Âu Châu giữa Đức và Pháp, Anh, Nga v.v. Đức và Ý được gọi là phe Trục và các nước Pháp, Anh, Nga v.v. được gọi là phe Đồng Minh. Ở Á Châu, Nhật đánh Trung Hoa, chiếm Mãn Châu, chiếm Đông Dương và các nước Đông Nam Á. Mỹ đứng về phe Đồng Minh, đổ bộ Normandie giải cứu Âu Châu và đánh nhau với Nhật sau khi Nhật tấn công Mỹ ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Mỹ đã thả hai trái bom nguyên tử đầu tiên xuống hai thành phố Hiroshima và Nagazaki của Nhật, vua Nhật đầu hàng. Tại Âu Châu, quân Đức cũng thua quân Đồng Minh. Lãnh tụ độc tài Hitler của Đức tự tử. Năm 1945, kết thúc thế giới chiến tranh lần thứ hai.
Tại Việt Nam, Trương Tử Anh lập ra Đại Việt Quốc Dân Đảng với chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn (1939).

- Năm Tân Mão (1951), chiến tranh giữa Việt Minh (do Hồ Chí Minh lãnh đạo) và Pháp tại Việt Nam đang hồi biến chuyển. Việt Minh từ thế yếu chuyển qua thế tấn công sau khi Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc (1949) và hậu thuẫn cho Việt Minh ở biên giới Việt-Trung. Phe Quốc Gia do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo, được Pháp trao trả độc lập từ 1949 và ở trong khối Liên Hiệp Pháp, chưa đủ mạnh để đương đầu với Cộng Sản. Kết quả, Việt Minh thắng trận Điện Biên Phủ 7 tháng 5, 1954 và 20-7-1954, hiệp định Genève ra đời, nước Việt Nam bị chia đôi, miền Bắc thuộc Việt Minh (chế độ Cộng Sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo) miền Nam thuộc Quốc Gia (do Quốc Trưởng Bảo Đại và Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo).

- Năm Quý Mão (1963), Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị phe quân nhân do Tướng Dương Văn Minh cầm đầu lật đổ và sát hại vào ngày 2 tháng 11 năm 1963. Ông Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng từ 7-7-1954, ngày 23-10-1955, ông tổ chức trưng cầu dân ý, lật đổ Quốc Trưởng Bảo Đại (lúc đó đang ở Pháp) và làm Quốc Trưởng Việt Nam, sau đó trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa theo Hiến Pháp do Quốc Hội Lập Hiến soạn thảo và ban hành ngày 26-10-1956.

- Năm Ất Mão (1975), Cộng Sản Miền Bắc sau khi ký hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973, đã không tôn trọng lời cam kết, xua quân đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Mỹ rút lui khỏi Việt Nam và không tiếp tục viện trợ quân sự, vũ khí cho Việt Nam. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và bỏ trốn khỏi nước, trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Ông Trần Văn Hương bất lực và trao quyền lại cho Tướng Dương Văn Minh. Hiến Pháp đương nhiên bị xé bỏ vì sự trao quyền nầy là bất hợp hiến, hoàn toàn không dựa trên một điều khoản nào theo Hiến Pháp đã quy định. Sau khi lên làm Tổng Thống VNCH, Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng Cộng Sản. Hàng triệu người đã phục vụ dưới lá cờ VNCH trong đó gồm có binh sĩ, sĩ quan, cán bộ, công chức, các thành phần chính trị, tôn giáo, dân cử, báo chí v.v. đã bị bắt đi tù trong các trại tập trung của Cộng Sản VN gọi là trại Cải Tạo. Hàng triệu người vượt biên, đa số đã chết trên rừng, trên biển, một số sống sót hiện định cư ở ngoại quốc, đa số tại Hoa Kỳ. Cuộc chiến đấu đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, tự do chính trị và quyền con người cho Việt Nam hiện đang tiếp tục ở trong nước và ở hải ngoại.

- Năm Đinh Mão (1987), do sự can thiệp của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, vào dịp 2 tháng 9-1987 và Tết Mậu Thìn, 1988, Cộng Sản Việt Nam đã trả tự do cho một số tù chính trị quan trọng và sau đó đã lập thủ tục cho họ được định cư tại Hoa Kỳ theo diện tỵ nạn chính trị (HO).

- Năm Kỷ Mão (1999), một chu kỳ 60 năm kể từ 1939, năm bắt đầu thế giới chiến tranh lần thứ hai cho đến nay, nước Việt Nam và dân tộc chúng ta đã trải qua biết bao biến cố đau thương, hàng triệu người bị chết một cách thê thảm trong chiến tranh, trong hận thù giữa Cộng Sản và Quốc Gia; biết bao người mang thương tích, những gia đình tan nát, những trẻ em mồ côi, những góa phụ v.v. những người mất quê hương, nhà cửa, ruộng vườn, bỏ cả tài sản, bỏ lại mồ mả tổ tiên, bỏ lại người thân để ra đi tìm tự do…. Cả một dân tộc đang phải sống dưới cảnh áp bức, bất công, nghèo đói, lầm than…

- Năm Tân Mão (2011) Như đã nói ở trên: năm Tân Mão (2011) sắp đến là năm mà các nhóm tín đồ của các tôn giáo trong nước cũng như hải ngoại tiên đoán sẽ là năm đại họa cho dân tộc Việt Nam và nhân loại. Từ năm 1945, sau khi cướp được chính quyền tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và bọn đàn em đã theo lệnh Cộng Sản Nga và Cộng Sản Tàu, chủ trương gây ra một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, tiêu diệt những người yêu nước không Cộng Sản và tu sĩ, tín đồ các tôn giáo, hy sinh hàng triệu đồng bào… đi vay súng đạn, quân trang, quân dụng, lương thực, tiền bạc… để thực hiện cho được chế độ Cộng Sản độc tài tồn trị trên đất nước Việt Nam và chúng đã thành công trong việc cưỡng chiếm toàn bộ Miền Nam Việt Nam vào ngày 30/4/1975. Bây giờ chúng bắt dân tộc Việt Nam, đồng bào Việt Nam phải trả nợ cho Trung Cộng. Vì thế hiện nay trong nước cũng như hải ngoại đều rộ lên những phong trào chống đối việc dâng đất, dâng biển cho Trung Cộng; chống việc cướp đi sự sống của dân bằng cách cho Trung Cộng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, làm ngơ trước những hành động xâm lăng, gây hấn, đối xử bất công với ngư dân Việt Nam của Trung Cộng, những hành vi buôn lậu, đưa hàng giả của Trung Cộng vào lũng đoạn nên kinh tế quốc dân VN,v.v… Việc Cộng Sản đàn áp tín đồ, tịch thu cơ sở thờ tự, trường học, bệnh viện, cơ sở từ thiện… của các tôn giáo để biến thành cơ sở kinh doanh buôn bán làm giàu cho một số đảng viên cao cấp đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền… Một xã hội thối nát, bất công như thế chắc chắn đang trên bờ vực thẳm.
Chúng ta chờ đợi năm mới Tân Mão đến với tình hình căng thẳng ở biển Đông do Trung Cộng thao túng, với sự thách thức của Mỹ, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Việt Nam và các nước trong khu vực đối đầu với Trung Cộng…
Liệu biến cố gì sẽ xảy ra trong tương lai?

Nguyễn Lý Tưởng